Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, khó khăn, tủ thờ Gò Công ngày nay dần trở nên nổi tiếng, hình thành một nét văn hóa đặc trưng chỉ có riêng ở mảnh đất miền Tây Nam Bộ. Qua bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân, những tấm gỗ vốn vô tri vô giác phút chốc biến thành một sản phẩm đời sống có giá trị cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Đến với vùng đất Gò Công sông nước hữu tình, điều khiến nhiều người tâm đắc nhất có lẽ là chiếc tủ thờ được các hộ dân địa phương sử dụng rộng rãi. Tủ thờ Gò Công xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XVII, khi những dòng người phương Bắc lần bước vào phương Nam nhằm mở cõi lập nghiệp, các nghệ nhân đất Bắc đã tạo ra tủ thờ mang những đường nét chạm trổ tinh xảo. Theo dân gian truyền lại: Ông Nguyễn Ngọc Hải sinh năm 1890 xuất thân từ thợ mộc, là người đầu tiên khởi xướng và có công phát triển nghề đóng tủ thờ Gò Công, đến nay trở thành một làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp trời Nam đất Bắc.
Tủ thờ Gò Công có kiểu dáng khá đơn giản, tương tự như chiếc hộp hình vuông . Đặc trưng của loại tủ có lịch sử trăm năm này là hai cánh cửa ở mặt trước, đầu hai tấm trám cửa được bo tròn, bốn chân tủ được thiết kế theo kiểu chân quỳ, không giống với kiểu chân hình mũi hài của tủ miền ngoài. Tủ thờ nguyên gốc không được ghép với bông dâu, giỏ dâu, bó đũa, chỉ đắp… Thay vì dùng đinh hay ốc vít, các chi tiết được kết nối bằng mộng, ngàm và chốt gỗ. Chất liệu đóng loại tủ thờ xưa thường là gỗ gõ đen, sườn đố hơi thô kệch, ván trám dày chặt nặng nề. Nhưng càng về sau nhằm đáp ứng thị hiếu khách hàng tủ được đóng bằng nhiều loại gỗ quý như mun, sến, lim, cẩm lai, trầm hương… Tuy nhiên, thật khó lý giải khi gỗ xà cừ lại bén duyên một cách kỳ lạ với tủ thờ Gò Công, đến nỗi nó đẹp và có hồn nhất chỉ khi được kết hợp với loại gỗ dân dã này.
Để đóng được một tủ thờ hoàn chỉnh cần trải qua 6 công đoạn như: cưa, tiện, mộc, cẩn, sơn, ráp thành. Nhưng ngày nay các công đoạn thủ công dần được thay thế bằng máy móc, các nghệ nhân nhờ đó mà có thêm thời gian để chăm chút các chi tiết chạm trổ trở nên tinh xảo và đẹp mắt hơn . Mỗi chiếc tủ thờ Gò Công được nhận xét là một tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, các hoa văn trên tủ rất đa dạng và thường lấy cảm hứng từ các điển tích cổ như “Bách tiên kỳ thú”, “Nhị thập tứ hiếu”, “Bát tiên quá hải”, “Long phụng quần hào”… in đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất Gò Công nói riêng và khu vực miền Tây Nam bộ nói chung.
Tủ thờ Gò Công không chỉ để cất giữ đồ quý giá, tăng thêm tính thẩm mỹ cho ngôi nhà,…mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh trong hầu hết các gia đình Việt. Nó được dùng để thờ cúng ông bà tổ tiên, nhắc con cháu nhớ về cội nguồn của mình, từ đó duy trì lòng biết ơn và hiếu kính của các thế hệ sau này.
Tên tuổi của tủ thờ Gò Công ngày càng vươn xa và trở thành niềm tự hào cho người dân nơi đây. Đầu tiên, phải kể đến là sự kiện năm 1936, một người thợ tên Nhâm bằng đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của mình đã tạo ra một chiếc tủ thờ Gò Công vô cùng độc đáo và được trao bằng khen tại hội chợ Sài Gòn. Không dừng lại ở đó, năm 1984, tủ thờ Gò Công đã giành được nhiều tín nhiệm trên thị trường và đạt huy chương vàng tại Hội chợ Giảng Võ (Hà Nội).
Hiện nay, ở Gò Công có riêng một làng nghề chuyên sản xuất loại tủ truyền thống này. Làng nghề tủ thờ Gò Công thuộc ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Ông Ba Đức hay tên thật là Ngô Tấn Đức đã có công khai sinh, duy trì và đem tên tuổi làng nghề lan rộng khắp cả nước. Đặc biệt, nghệ nhân lão luyện này đã lập kỷ lục khi sản xuất ra chiếc tủ thờ giá 750 triệu đồng với 30 trụ đứng chạm trổ tinh xảo.
Tủ thờ Gò Công tuy có lịch sử hàng trăm năm nhưng lại không bị mờ nhạt theo dòng chảy của thời gian. Vì bên cạnh vẻ đẹp bên ngoài, sản phẩm ấy còn chứa đựng cái “hồn” của quê hương nơi nó sinh ra. Bằng sự tỉ mỉ, khéo léo và óc sáng tạo của các nghệ nhân, danh tiếng của tủ thờ Gò Công không chỉ vượt ra khỏi miền Tây Nam bộ mà còn vươn ra ngoài thế giới.